Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Giới thiệu việc làm là giai đoạn tiếp nối bảo hiểm thất nghiệp


Hội thảo 10 nước ASEAN về “Bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách lao động chủ động”

Ngày 21 và 22.3, tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà cùng ông Gyorgy – GĐ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, bà Duma Yanti Theresa – đại diện Ban Thư ký ASEAN và ông Yasumitsu – đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại VN - đã đồng chủ trì hội thảo quốc tế: “Bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách lao động chủ động”, với sự tham gia của đại diện 10 nước ASEAN.

Hoạt động này thuộc chương trình hợp tác đa phương ILO/Nhật Bản trong khuôn khổ khung hỗ trợ kỹ thuật cho các nước Châu Á - Thái Bình Dương về thúc đẩy việc làm bền vững.

Các cơ chế hiệu quả

Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế và việc làm toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến khu vực ASEAN. Theo đánh giá của ILO, năm 2011 khu vực Đông Nam Á có khoảng 180 triệu NLĐ có việc làm “dễ bị tổn thương” (tức việc làm bấp bênh, được trả công thấp và không được bảo vệ) tương đương gần 62% lực lượng LĐ của khu vực này.

Đáng nói, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên rất cao (13,5% năm 2011, tức gấp 5 lần nhóm người lớn). Thêm vào đó, cứ khoảng 3 người thì có 1 người sống trong gia đình ở mức thấp hơn 2USD/ngày. Nguyên nhân chính của tình trạng nghèo này bao gồm cả vấn đề thiếu việc làm, việc làm dễ bị tổn thương.

Tại VN – theo ILO) – cứ 10 NLĐ thì có 6 NLĐ thuộc nhóm này, trong đó tỉ lệ nữ chiếm 7/10. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ NLĐ bằng tiền mặt thông qua bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và giới thiệu việc làm giúp NLĐ trở lại thị trường LĐ được xem là các cơ chế hiệu quả bảo vệ NLĐ và gia đình họ thoát khỏi đói nghèo. Những năm đầu thế kỷ 20, chương trình BHTN đầu tiên đã được triển khai ở một số quốc gia như: Anh, Đức, Thụy Điển..., nhưng đến nay đã có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện. Trong các nước ASEAN, Thái Lan bắt đầu thực hiện BHTN từ 2004 và VN thực hiện từ 2009...



Sớm đi vào cuộc sống

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà: Trước khi thực hiện chính sách BHTN thì VN đã ra đời dịch vụ việc làm từ những năm 1980, bởi nhu cầu bức thiết về học nghề và tìm kiếm việc làm của NLĐ. Đến đầu năm 1990, cả nước có 11 trung tâm và năm 2000 phát triển thành cả hệ thống 178 trung tâm, sau đó một số chuyển thành trường nghề, hiện còn 130 trung tâm (gồm 64 trung tâm thuộc sở LĐTBXH các tỉnh và 66 trung tâm thuộc các bộ, ngành, hội, đoàn thể), thực hiện chức năng tư vấn cho NLĐ, NSDLĐ; giới thiệu việc làm cho NLĐ, cung ứng LĐ cho NSDLĐ; thu thập, phân tích và cung cấp thông tin thị trường LĐ; đào tạo nghề gắn với việc làm và hoạt động sự nghiệp BHTN...

Còn đối với BHTN ở VN: Sau hơn ba năm thực hiện (từ 1.1.2009) bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Nếu 2009 có 5.993.000 NLĐ tham gia, thì năm 2011 lên tới 7.931.000 NLĐ tham gia. Đáng nói, tính đến cuối 2011, Quỹ BHTN ước còn dư 14.638 tỉ đồng (có nghĩa không vỡ quỹ). Vì vậy, chính sách BHTN của VN đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao, được NSDLĐ và NLĐ đón nhận tích cực, được dư luận xã hội công nhận là một trong những chính sách sớm đi vào cuộc sống...

Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành về LĐ của 10 nước ASEAN đã thay nhau điều hành 8 phiên làm việc, bàn sâu vào các nội dung, như:

Đánh giá thực trạng thất nghiệp ở các nước ASEAN; thúc đẩy các chương trình BHTN và dịch vụ việc làm... đã có chung quan điểm: Giải quyết tình trạng thất nghiệp đang là vấn đề cấp thiết của mỗi quốc gia, nhưng để giải quyết thất nghiệp một cách bền vững thì các quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa BHTN với giới thiệu việc làm, bởi nếu BHTN là việc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ thì giải quyết việc làm, hỗ trợ học nghề chính là sự nối tiếp của BHTN.

Dương Minh Đức