Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Tăng lương: Giá cả tiêu dùng ít biến động

Thông thường khi có thông tin về tăng lương là giá cả các mặt hàng thiết yếu lại rục rịch “tát nước theo mưa”. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NTD là “lo sợ” để chống chọi với bão giá. Theo đánh giá sơ bộ, đến thời điểm này đợt tăng lương của hơn 6 triệu người lao động (chiếm 7% dân số) với mức tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng (khoảng 26,5%) không tác động nhiều đến giá cả thị trường.

Sau đợt tăng lương, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn duy trì ở mức ổn định, thậm chí một số mặt hàng như gas, gạo... còn giảm giá khiến NTD khấp khởi vui mừng

Giá cả ít biến động

Từ ngày 1-5-2012, theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP, mức lương tối thiểu chung sẽ là 1.050.000 đồng/tháng, tăng thêm 220.000 đồng so với mức lương cũ. Mức lương tối thiểu chung này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm: Cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội; công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Cũng từ 1-5-2012, thực hiện Nghị định 34/2012, mức phụ cấp công vụ bằng 25% (hiện là 10%) mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
hoặc phụ cấp quân hàm. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công cũng tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu. Kinh phí thực hiện việc tăng lương với đối tượng hưởng lương từ ngân sách được bảo đảm từ các nguồn: sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao năm 2012 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế); sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương, không kể tăng thu tiền sử dụng đất...

Sau đợt tăng lương này, người tiêu dùng (NTD) đặc biệt quan tâm tới sự thay đổi về giá của các mặt hàng thiết yếu. Khảo sát giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu quanh khu vực chợ Thủ Dầu Một, chợ Đình và một số siêu thị như Sài Gòn Co.opMart, Vinatex... cho thấy hầu hết giá cả vẫn giữ ổn định. Thịt heo nạc đùi dao động từ 85.000 - 94.000 đồng/kg, ba rọi từ 83.000 - 90.000 đồng/kg, sườn heo giảm mạnh từ 120.000 đồng xuống mức 78.000 đồng/kg. Thịt thăn bò 220.000 - 230.000 đồng/kg. Gà ta (làm sẵn) 125.000 - 160.000 đồng/kg, gà công nghiệp (làm sẵn) 50.000 - 62.000 đồng/kg. Một số loại gạo giảm giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg như nàng hương chợ Đào16.000 đồng/kg, gạo hương lài 13.000 đồng/kg. Các loại cá rô phi, điêu hồng, cá lóc... vẫn giữ mức giá ổn định. Do thời tiết ổn định nên các loại rau xanh vẫn ở mức giá cũ: bắp cải Đà Lạt từ 8.000 – 14.000 đồng/kg, rau dền 10.000 – 14.500 đồng/kg, chôm chôm giảm từ 50.000 – 30.000 đồng/kg, sầu riêng từ 52.000 đồng - 45.000 đồng/kg...

Theo chị Thu, tiểu thương kinh doanh ở chợ Đình thì sau đợt tăng giá xăng lần 1 và lần 2 giá cả đã tăng vọt nên hiện tại hầu hết các mặt hàng giữ ở giá ổn định vì NTD cũng khó lòng có thể chấp nhận mức giá cao hơn.

Tín hiệu mừng cho NTD

Thông tin về đợt tăng giá xăng lần 2 đã khiến NTD lo lắng về việc đội giá các mặt hàng. Tuy nhiên, đợt tăng lương hồi đầu tuần cùng với động thái giảm giá một số mặt hàng thiết yếu như gas, gạo, rau củ quả... đã khiến NTD khấp khởi vui mừng. Chị Thiên Trúc (phường Hiệp Thành, TX.TDM) đã tỏ ra rất vui khi nghe thông tin giá gas giảm mạnh, còn từ 370.000 – 410.000 đồng/bình 12kg: “Từ đầu năm đến nay, lúc nào mình cũng “hồi hộp” nghe tin... giá cả tăng, nhưng giờ thấy lương tăng mà giá gas, gạo, vàng giảm, mình thấy như trút được gánh nặng vậy”. Anh Nguyễn Văn Linh, giáo viên một trường tiểu học, cư trú tại phường Phú Lợi, TX.TDM cho biết, hiện tại tổng thu nhập của vợ chồng anh được 8 triệu đồng/tháng, chi tiêu cho 4 người. Tháng nào cũng hết nhẵn, thậm chí chưa đến kỳ lương đã hết tiền. Vợ chồng anh đang háo hức mong chờ lương mới vì mỗi tháng tài khoản của anh chị có thêm gần 3 triệu đồng. Anh Linh và nhiều người có mức lương “khiêm tốn” đều cho rằng tăng lương mà giá cả không tăng thì việc tăng lương mới có ý nghĩa. Còn lần tăng lương này cũng chỉ bù đắp thêm để trang trải cho những nhu cầu cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày chứ chưa đủ tích lũy và hưởng thụ những nhu cầu cao hơn. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc tăng lương tối thiểu kỳ này chỉ tác động đến 6 triệu người, nguồn tiền thực sự bơm vào nền kinh tế không tăng đột biến đến mức độ đáng ngại, nên sẽ không ảnh hưởng mạnh đến tình hình giá cả ngoài xã hội trong những ngày tới. “Đối với những đối tượng được tăng lương kỳ này, cuộc sống cũng đỡ hơn phần nào, còn hơn là không tăng gì cả”, ông Vũ Đình Ánh nói.

Bên cạnh mức giá ổn định của thị trường, việc các siêu thị ra sức cạnh tranh với nhau trong thời buổi kinh tế khó khăn này thì NTD được hưởng lợi khá nhiều. Trao đổi với ông Võ Hữu Thạch, Giám đốc chi nhánh Co.opMart Bình Dương được biết: “Chính sách nhất quán của Sài Gòn Co.op là tăng cường hỗ trợ để người dân đỡ vất vả, vì vậy, hàng tháng siêu thị tổ chức khuyến mại 2 đợt và chọn những mặt hàng thiết thực cho đời sống và có tặng kèm hàng. Những đợt cao điểm như mừng sinh nhật lần thứ 16 của hệ thống, Co.op đã chi trên 40 tỷ đồng làm khuyến mại, bất kỳ đối tượng mua ít, mua nhiều đều được hưởng ưu đãi”. Mặc dù không rầm rộ như Sài Gòn Co.op nhưng Citimart cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng ở những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, sữa, thực phẩm... và tặng tiền, quà khi thanh toán bằng thẻ.

Các chính sách về bình ổn, kiềm chế giá cả tại các siêu thị khiến NTD ngày càng có xu hướng lựa chọn đây là điểm đến đầu tiên để mua sắm. Hơn nữa, với việc kinh doanh có hệ thống và đầu tư, hỗ trợ, liên kết với các trang trại, hợp tác xã... giúp nguồn hàng cung ứng và giá ổn định. Như vậy, việc tăng lương cơ bản cùng với việc chi tiêu tiết kiệm, hợp lý và lựa chọn kênh mua sắm phù hợp cũng phần nào giúp một bộ phận người lao động an tâm trang trải cuộc sống.