Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Điều chỉnh lương tối thiểu theo giá sinh hoạt

Các ý kiến đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, sáng 23/5, về vấn đề tiền lương trong Bộ luật Lao động sửa đổi đều đồng tình việc quy định thay đổi mức lương cơ bản dựa trên sự thay đổi của giá cả, điều kiện kinh tế - xã hội, và tiền lương trên thị trường lao động.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII
Việc thay đổi mức lương tối thiểu do Chính phủ quyết định, dựa trên khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, một cơ quan mới sẽ được thành lập (gồm các đại diện là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương).

“Là tiến bộ rất tốt”

Điều 92, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.


“Tùy theo từng thời kỳ, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động”.

Tiếp tục, Điều 93 của dự thảo quy định “Khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động.”.


Từ quy định này, đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, “đây là một điểm rất tiến bộ làm cho người lao động sẽ có một niềm tin về vấn đề tiền lương trong tương lai của mình sẽ có nhiều thay đổi mang tính chất cơ bản.”

Tuy nhiên đại biểu cũng kiến nghị sửa lại về mặt “kỹ thuật” 2 điều trên theo hướng quy định Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ căn cứ vào thay đổi giá thị trường, tình hình kinh tế- xã hội và tiền lương trên thị trường lao động để khuyến nghị Chính phủ thay đổi mức lương tối thiểu.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng cần đưa ra mức lương tối thiểu làm sao sát với thực tế hơn, bởi mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Việc đưa ra mức lương tối thiểu sát với thực tế được ông Đặng Ngọc Tùng cho là rất quan trọng nhằm giảm xung đột trong quan hệ lao động, đình công, tranh chấp lao động…

Về Hội đồng tiền lương quốc gia, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) cho rằng cơ quan này gồm nhiều các nhóm quyền lợi khác nhau nên không tránh khỏi những bất đồng để đưa đến khuyến nghị cuối cùng. Do đó, đại biểu đề nghị khi chưa thống nhất được khuyến nghị cuối cùng thì cũng vẫn nên trình lên Chính phủ để xem xét, quyết định nếu không sẽ rất chậm.

Nhà nước cần kiểm tra việc xây dựng thang lương

Hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương do doanh nghiệp thỏa thuận với công đoàn cơ sở thực hiện và đăng ký với Phòng Lao động, Thương binh và xã hội địa phương. Tuy nhiên thời gian qua, do luật quy định nên cơ quan chức năng chỉ nhận đăng ký chứ không kiểm tra việc thực hiện thang, bảng lương như thế nào nên gây ra đình công.

Đại biểu Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 43 vụ đình công, tuy không đúng trình tự pháp luật nhưng đều bắt nguồn từ việc đa số doanh nghiệp chưa xây dựng thang, bảng lương đúng quy định, hoặc có xây dựng thang bảng lương nhưng lại không thực hiện đúng như khi đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị “cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải kiểm tra việc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp cho phù hợp với luật pháp, đặc biệt là các định mức lao động. Bởi thông thường doanh nghiệp đề nghị định mức lao động quá cao, nếu không có ý kiến thì sẽ thiệt thòi quyền lợi của người lao động.”

Cùng ý kiến với đại biểu Đặng Ngọc Tùng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), đề nghị quy định vai trò của công đoàn cấp trên hỗ trợ công đoàn cơ sở xây dựng thang lương, bảng lương quy định mức lao động, quy chế trả lương, trả thưởng.

Về chế độ tiền thưởng, các đại biểu tiếp tục cho rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có bất cập khi quy định tiền thưởng được “căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động”.

“Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp.”

Về điều này, đại biểu Trần Ngọc Vinh cần quy định rõ hơn vì doanh nghiệp “vin” vào việc làm ăn thua lỗ để không thưởng cho người lao động, nhất là tiền thưởng cuối năm.

Quốc Thanh