Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Đãi ngộ tốt - lời giải cho bài toán lao động “nhảy việc”

Cái cảnh “dở khóc dở cười” khi đã vào vụ sản xuất, ngày giao hàng đến nơi mà thiếu người làm vì công nhân “nhảy việc” không phải là chuyện lạ đối với nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là những nơi tập trung nhiều KCN, KCX như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Thu nhập thấp

Nguyên nhân chính của tình trạng “nhảy việc” trên là do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, người lao động không toàn tâm, toàn ý với công việc, thường xuyên thay đổi chỗ làm để hy vọng kiếm được đồng lương có thể bảo đảm cuộc sống giữa thời buổi nhiều nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống ngày càng trở nên đắt đỏ.
Công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có thu nhập thấp như sản xuất da giày, may mặc rất cần có chế độ đãi ngộ tốt như nhà ở, dịch vụ y tế... giúp họ yên tâm làm việc (ảnh minh họa).
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2011, nước ta có tổng số 283 KCN, KCX được thành lập ở 58 tỉnh, thành phố, tạo ra việc làm cho gần 2 triệu lao động. Trong 24 tỉnh, thành phố có nhiều KCN nhất, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN lên đến 4.540 doanh nghiệp và sử dụng số lao động tới 1.420.256 người. Trong đó tập trung nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh - có 1.036 doanh nghiệp với 260.000 lao động … Trong các KCN, KCX, lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 70% tổng số lao động, với số lượng 1.121.000 người.


Mức lương bình quân của người lao động trong các KCN, KCX qua các năm đều được điều chỉnh tăng (12,5%/năm trong giai đoạn 2004 – 2008), nhưng do giá cả các hàng hoá thiết yếu tăng nhanh nên thu nhập thực tế của người lao động có xu hướng giảm, không đủ chi trả cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp luôn lấy mức lương tối thiểu được Nhà nước quy định để làm gốc tham chiếu trả lương cho người lao động. Trong khi đó, lương tối thiểu hiện còn ở mức thấp, chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Một số doanh nghiệp FDI thường trả lương theo sản phẩm nhưng với đơn giá tiền lương rất thấp trong khi định mức lao động lại cao. Việc trả lương thấp được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp lao động và đình công thời gian gần đây.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh và khu vực FDI thường ký hợp đồng lao động ngắn hạn nên nhiều công nhân không những không được hưởng các quyền lợi theo luật định mà còn bị đặt trong tình trạng luôn lo lắng mất việc. Thu nhập của người công nhân hiện nay ở mức xấp xỉ 3 triệu đồng/người/tháng, công nhân phải làm tăng giờ, tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Chỗ ăn ở, hạ tầng xã hội kém

Theo TS. Lê Tuyển Cử, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, mới có 24 dự án xây nhà ở cho người lao động tại KCN, KCX, KKT với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753.000 m2. Trong đó có 9 dự án đã hoàn thành và bàn giao, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 công nhân, tính ra mới đáp ứng được 10% nhu cầu về nhà ở của người lao động tại các KCN, KCX.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, việc triển khai chính sách nhà ở cho công nhân các KCN vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân (ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân KCN về miễn, giảm tiền thuê đất, về thuế thu nhập doanh nghiệp...) chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp nên các doanh nghiệp chưa quan tâm thỏa đáng đến việc đầu tư xây nhà ở cho người lao động trong KCN. Việc phát triển các KCN, KCX ở một số địa phương hiện chỉ tập trung vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh mà chưa chú ý đúng mức tới việc đầu tư các công trình phúc lợi khác cho người lao động như cơ sở khám chữa bệnh, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí....

Thiếu chỗ ở công nhân lao động phải thuê nhà ở trong các khu dân cư, làng, xã, với điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm. Không gian ở chật chội, không đủ ánh sáng, không có nhà vệ sinh, không có nơi giải trí, nghỉ ngơi, không có điều kiện hưởng thụ văn hóa, dẫn đến hình thành những khu “ổ chuột” ngay cạnh các KCN hiện đại. Tại các KCN, KCX, điều kiện và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế rất thấp với khoảng 15% số cơ sở có cán bộ y tế, việc giám sát môi trường lao động hạn chế. Trong những điều kiện như vậy, người lao động không được bảo đảm về sức khỏe để đáp ứng được yêu cầu năng lực của người lao động trong các KCN, cũng như mắc nhiều căn bệnh xã hội khác.

Nâng cao đời sốngngười lao động - yêu cầu cấp bách

Theo Thạc sĩ Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cải thiện điều kiện lao động, hỗ trợ đời sống vật chất và tinh thần của người lao động tại các KCN; Chính phủ cần nghiên cứu ban hành quy định về tỷ lệ diện tích đất trong KCN, KCX cho phép đầu tư nhà ở cho công nhân cũng như sửa đổi bổ sung các chính sách phát triển nhà ở cho công nhân trong các KCN.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc phát triển xây dựng nhà ở cho người lao động và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, nhà trẻ, và các công trình văn hóa để từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt của người lao động trong các KCN. Giải quyết điều này cần có sự phối hợp của cả Nhà nước và doanh nghiệp, chứ không phải nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp.

Còn theo TS. Lê Tuyển Cử, việc nâng cao đời sống cho lao động KCN, KCX cần những giải pháp đồng bộ. Nhà nước phải ưu tiên tập trung cải thiện chính sách tiền lương và thu nhập, điều kiện nhà ở cũng như quan hệ lao động. UBND cấp tỉnh, huyện phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh định kỳ tổ chức đối thoại với lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Doanh nghiệp cần thực hiện rộng rãi hình thức kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc. Còn người lao động phải nâng cao tay nghề, nâng cao nhận thức, nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động để bảo đảm lợi ích chính đáng của bản thân...

Khi những nỗ lực của Chính phủ hài hòa, đồng bộ với cố gắng của các ngành, địa phương và doanh nghiệp thì đời sống của người lao động tại các KCN mới có thể cải thiện. Nhân tố này cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển các KCN trong tương lai theo hướng bền vững.

Thảo Nguyên - Quốc Huy