Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Chưa thể xóa “thu nhập ngầm”

Vào năm cuối cùng điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình đã được quy định, mức lương tối thiểu cho công chức nhà nước tăng từ 830.000 đồng lên 1,05 triệu đồng - mức tăng tương đương khoảng 26%, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH so với các năm trước là khá cao và theo tính toán của các cơ quan tham mưu, đã cao hơn tốc độ trượt giá.

Tuy nhiên, về lâu dài, để người lao động (NLĐ) có thể sống được bằng lương thì việc điều chỉnh lương hằng năm cần tính toán lại để tiến tới hệ thống lương thực trả.

Đại đa số người lao động sống chủ yếu bằng lương và đang gặp nhiều khó khăn khi giá cả tăng cao. Ảnh: Trung Kiên


Từ ngày 1-5-2012, lương tối thiểu (LTT) của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng từ 830.000 đồng lên 1,05 triệu đồng. Nguồn tăng lương được lấy từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên của cơ quan hành chính, sự nghiệp; 35-40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các đơn vị có lợi nhuận; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2011. Các cơ quan, tổ chức được quyền rút dự toán và Kho bạc Nhà nước phải cho rút để ứng trước lương cho CBCCVC khi thực hiện tăng LTT ngay từ ngày 1-5, không để nợ lương. Đơn vị nào không thể ứng dự toán phải có văn bản kiến nghị ngay để xử lý kịp thời.

Dù LTT của công chức tăng thêm so với mức cũ nhưng Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội từ năm 2011 đã chỉ ra mức LTT của công chức và phụ cấp công vụ còn ở mức thấp, chưa bảo đảm được yêu cầu của cải cách tiền lương. Còn đối với tốc độ tăng lương ở khu vực doanh nghiệp thì mức LTT chung này vẫn chưa bảo đảm mức tương quan với mặt bằng lương trên thị trường. Từ năm 2003-2011, Nhà nước đã 7 lần điều chỉnh mức LTT và mức này đã tăng 2,95 lần. Nhưng nếu tính tới chỉ số lạm phát và mức tăng giá tiêu dùng thì LTT thực tế chỉ tăng hơn 0,05 lần, tức 5,14%. Tính ra trung bình mỗi năm, LTT chỉ tăng 0,64%, đây là sự bất hợp lý nếu xem tiền lương là một khoản  đầu tư để phát triển nguồn nhân lực.

Theo PGS-TS Trần Văn Thiện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, các lần điều chỉnh tiền lương trước đây chỉ chạy theo sự tăng giá thị trường, giá tăng trước, tiền lương điều chỉnh sau nên tiền lương thực tế của công chức lại giảm đi. Vì vậy, dù không muốn nhưng thực tế là nhiều người làm công ăn lương chưa thực sự mặn mà với mỗi lần điều chỉnh lương.

Lần điều chỉnh lương này có thể là một ngoại lệ cho quy luật tăng giá - tăng lương. Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ như vậy là do hai nguyên nhân. Thứ nhất là do sức mua của thị trường đã rơi vào cảnh ảm đạm, việc tăng giá chỉ làm cho người tiêu dùng càng thắt chặt và tiết kiệm chi tiêu. Thứ hai, khi xây dựng mức điều chỉnh, những người làm lương đã tính đến yếu tố tăng lên của nhu cầu tiêu dùng trong khi vẫn bảo đảm được khả năng chi trả của ngân sách vì đã có kế hoạch, lộ trình hằng năm. Chưa kể là hàng loạt chính sách tài khóa thắt chặt, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, bảo đảm an sinh xã hội đang thực hiện quyết liệt…

Tuy nhiên, về lâu dài, để NLĐ có thể sống được bằng lương thì việc điều chỉnh lương hằng năm nên tính toán lại để tiến tới hệ thống lương thực trả, khắc phục bất cập trong hệ thống tiền lương khu vực công hiện nay. Nếu chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh LTT như lâu nay thì chưa thể tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Và sẽ tồn tại một nghịch lý là tuy thu nhập từ lương rất khó đủ để bảo đảm cuộc sống nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ trong bộ máy công quyền sống dư dả. Nhiều chuyên gia cho rằng nên tính toán để tiến tới một hệ thống lương thực trả, hướng đến mục tiêu tiền lương bằng hoặc gần bằng thu nhập, xóa bỏ dần sự tồn tại của "thu nhập ngầm".

Kim Vũ - Hoàng Phong