Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Xây mới nhiều bệnh viện: Khó giải bài toán nhân lực và thương hiệu


KTĐT - Trong khi hầu hết các BV tuyến thành phố đều đang thiếu nhân lực trầm trọng, việc xây thêm nhiều bệnh viện (BV) mới khiến cho "bài toán" nhân lực ngày càng khó giải. Nếu không có những giải pháp dài hơi thì e rằng, về lâu dài, nhân lực y tế khó đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

“Than trời” vì thiếu nhân lực

BV Tâm thần Hà Nội có 650 giường bệnh, nhưng mỗi năm phải quản lý 20.000 lượt bệnh nhân, số thầy thuốc hiện có chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu. "5 năm vừa rồi chúng tôi không xin được bác sĩ (BS) nào, năm vừa qua có 3 hồ sơ nộp xin việc, chưa kịp mừng thì hai người đã ra đi. Chúng tôi gặp khó khăn, nhất là thiếu BS" - BS Lý Trần Tình, Giám đốc BV phàn nàn. Cũng theo BS Tình, hiện do cơ chế hỗ trợ cho cán bộ ngành y tế ngành tâm thần quá thấp (3 triệu đồng/tháng kể cả nguồn hỗ trợ của TP), thu nhập không đủ sống, môi trường làm việc đặc biệt nên BS không yên tâm công tác.
Một ca cấp cứu ở Bệnh viện Thanh Nhàn Images: Nhật Nguyên


BV 09 hiện cũng thiếu BS trầm trọng. "Để "xin" được người đã khó, giữ được người càng khó hơn. 5 năm qua, năm nào BV cũng đi "xin người", nhưng mãi đến mới đây, mới tiếp nhận được một BS về làm việc" - BS Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BV 09 tâm sự. Lý giải về thiếu BS chuyên khoa truyền nhiễm, ông Tuấn cho biết, mặc dù cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân AIDS được hưởng thêm 70% lương, ngoài ra, TP hỗ trợ 700.000 đồng/tháng, nhưng đời sống của cán bộ viên chức BV vẫn vô cùng khó khăn. Hiện vẫn có đến gần 80% cán bộ, nhân viên BV phải đi thuê nhà ở.

BV tuyến TP thiếu BS, BV tuyến huyện còn khó khăn hơn bội phần. Bác sĩ Vũ Bá Sơn, Giám đốc BV đa khoa Thạch Thất trăn trở: "BV chỉ có 18 BS, nhưng phải đảm đương 180 giường bệnh, đã nhiều năm nay BV không tuyển được BS. Không chỉ riêng Thạch Thất mà các BV tuyến huyện hiện nay đều thiếu vô cùng. Thỉnh thoảng có những đợt tiếp nhận BS 1.816 (tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới), nhưng đó cũng chỉ là tạm thời".
Mỗi năm nước ta đào tạo ra 6.700 BS, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế ở trình độ sau đại học. Tuy nhiên theo tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường có gấp 2 lần hiện nay vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nhân viên y tế theo dự kiến.

Tai Kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XIV, nhiều đại biểu cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng nguồn nhân lực cho ngành y tế đang khan hiếm như hiện nay. Vì vậy, việc bù đắp nhân lực cho các BV mới triển khai là khó khả thi. Một đại biểu của huyện Sóc Sơn bày tỏ: "Chúng tôi chỉ mất 2 năm là xây dựng xong một BV nhưng lo nhất là không có BS. Ở huyện chúng tôi hiện nay, các BS đào tạo từ Đại học Y Hà Nội đều đã xin chuyển đi nơi khác. Do đó, nếu không lo từ bây giờ, khi BV xây dựng xong cũng không hoạt động được vì thiếu người. Tôi đề nghị ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ y tế. Hà Nội nên có trường đại học Y, Dược để tạo nguồn".

“Ngắt ngọn” tuyển BS

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, mặc dù TP đã có cơ chế, nếu xin vào BV, TTYT tuyến huyện chỉ cần thông qua xét tuyển nhưng cũng không đủ nguồn. Với trạm y tế xã, phường, để có BS về làm việc còn khó khăn hơn nhiều. Hiện chỉ có 507 trạm y tế xã, phường có BS (chiếm 80% số trạm y tế), trong đó 442 BS biên chế tại chỗ, số còn lại là được tăng cường từ BV, phòng khám đa khoa quận, huyện. Ông Hiền cũng cho biết, nếu các dự án đầu tư cho ngành y tế triển khai đúng tiến độ, các đơn vị này có khả năng thu dung bệnh nhân để hoạt động theo đúng công suất, dự kiến trong 5 năm từ 2011 - 2015, Hà Nội cần gần 4.000 BS. Đây là con số không nhỏ bởi thời gian đào tạo BS là 6 năm và phải 10 năm sau họ mới vững tay nghề.

Trong khi hầu hết các BV tuyến TP cũng như tuyến huyện đều thiếu nhân lực trầm trọng, thì tới đây, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế thành phố đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục xây thêm nhiều BV ở 5 cửa ngõ Thủ đô.

Ông Hiền cho rằng, vấn đề nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở y tế rất quan trọng, nếu không có kế hoạch đào tạo kịp thời, nguy cơ các BV xây dựng xong sẽ thiếu nhân lực và bệnh nhân vẫn tiếp tục dồn về tuyến trên. Vì thế, việc xây dựng BV Hà Nội sẽ làm theo lộ trình, quy mô hoạt động phụ thuộc vào khả năng của BV thời điểm ấy. "TP đã phê duyệt chương trình đào tạo theo địa chỉ nhưng Bộ GD&ĐT chưa đồng ý. Vì vậy, chúng tôi đã xin TP tuyển dụng, đào tạo theo kiểu "ngắt ngọn". Những sinh viên nào có nhu cầu công tác tại các đơn vị y tế Hà Nội sẽ được ưu tiên. Nếu về các BV nội thành phải thi tuyển ngặt nghèo, còn về ngoại thành sẽ được hỗ trợ, đặc biệt trong quá trình học tập 5 năm, đến năm thứ 6, Hà Nội sẽ đề nghị đào tạo theo nhu cầu chuyên khoa mà các đơn vị đang cần" - ông Hiền nhấn mạnh. Với kế hoạch đào tạo và tuyển dụng này, hy vọng sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu về nhân lực. Còn để đáp ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, sẽ là một "bài toán khó", bởi không riêng gì Hà Nội, mà thiếu nhân lực y tế đang là tình trạng chung của cả nước.


Cần kế hoạch dài hơi

Muốn thu hút BS, đủ nguồn nhân lực, ngoài giải pháp "ngắt ngọn" tuyển BS như Hà Nội sẽ làm tới đây, theo các nhà quản lý, ngành y cần phải có một kế hoạch dài hơi về vấn đề đào tạo, chính sách, nhất là đối với các chuyên ngành "kén" nhân lực như: Truyền nhiễm, Nhi, Tâm thần, Dự phòng… Bởi không chỉ riêng Hà Nội, tình trạng thiếu nhân lực y tế đang là mối lo chung của cả nước. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là môi trường làm việc tại nhiều cơ sở y tế chưa hấp dẫn, chưa đủ sức hút người có chuyên môn cao. Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế thẳng thắn: "Có thể nói nghề y là một nghề đặc biệt, được đào tạo đặc biệt nhưng việc thu hút và sử dụng lao động lại chưa có những chính sách "đặc biệt" nên dẫn đến tình trạng thiếu BS, dược sĩ trầm trọng như hiện nay, nhất là trong hệ thống y tế dự phòng và BV tuyến huyện".

 Các chuyên gia y tế cho rằng, để cung ứng đủ nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh việc đào tạo cán  bộ y tế, chú trọng BS đa khoa, BS y học gia đình. Đặc biệt, Nhà nước cần cải tiến chế độ lương và phụ cấp cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhất là trạm y tế xã, cán bộ y tế tại các vùng nông thôn, miền núi. Đây là vấn đề mấu chốt, bền vững mang tính quyết định không những giải quyết vấn đề nhân lực mà còn giải quyết được tình trạng quá tải tuyến trên.