Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Vai trò nhân sự thời suy thoái

Không chỉ giúp hài hòa mối quan hệ lao động, chuyên viên nhân sự còn góp phần làm nên sự thành công của doanh nghiệp

“Để doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển, người làm công tác nhân sự đóng vai trò rất quan trọng. Họ chính là trung tâm tư vấn cho ban giám đốc và các phòng ban về chiến lược phát triển con người”. Bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành Anphabe, nhấn mạnh như vậy.


Các chuyên viên nhân sự trao đổi tại Ngày hội Nhân sự 2011

Đánh đồng nhân sự với sự vụ

Trong chiến lược phát triển nhân tài của DN, người làm công tác nhân sự đóng vai trò quan trọng. Thế nhưng, nhiều DN chưa chú trọng đến đội ngũ này và hệ quả là DN đã gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển. Kết quả khảo sát “Vai trò của nhân sự hiện đại” do mạng doanh nhân cộng đồng Anphabe tiến hành trên 1.136 nhân viên làm công tác nhân sự của các DN cho thấy có đến 51,8% thừa nhận vai trò của phòng nhân sự chỉ là hành chính, sự vụ; 28,7% thực hiện các yêu cầu nhân sự do trưởng phòng, ban đề ra. Cũng theo theo khảo sát có đến 40,5% nhân viên các phòng ban chưa hài lòng về những đóng góp của chuyên viên nhân sự cho công ty. Lý do: Chuyên viên nhân sự thiếu hiểu biết về công việc của các phòng ban khiến họ khó gần gũi.

Rất nhiều DN, nhất là DN Việt Nam, vẫn chưa nhận thức được lợi ích lâu dài của bộ phận nhân sự. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Thông, giám đốc nhân sự một công ty sản xuất đóng tại Hà Nội, nhận xét: “Lãnh đạo công ty chưa thật sự hiểu và đánh giá được tầm quan trọng của công tác nhân sự, chưa coi trọng văn hóa DN và cách thức tổ chức quy trình nhân sự một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc chưa giành được sự tin cậy, hỗ trợ từ ban giám đốc và trưởng các phòng ban là rào cản lớn khiến bộ phận nhân sự khó phát huy được vai trò chiến lược”.

Cần nhân sự giỏi

Khi kinh tế phát triển thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng phát triển theo. Hơn bao giờ hết, chuyên viên nhân sự phải vừa săn nhân tài bên ngoài vừa ngăn tình trạng “chảy máu chất xám” từ bên trong. Còn trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, chuyên viên nhân sự phải làm thế nào để có được nguồn nhân lực tốt với chi phí giới hạn. Ông Lê Hồng Phúc, Chủ nhiệm CLB Nhân sự Việt Nam, chia sẻ: “Trong tình hình kinh doanh khó khăn, vai trò của phòng nhân sự là tham mưu, tư vấn cơ cấu lại bộ máy nhân sự sao cho hiệu quả và giảm thiểu ngân sách hoạt động của công ty”.

Cũng theo các chuyên gia, để thực thi vai trò chiến lược như trên, ngoài việc tiếp tục nâng cao chuyên môn nhân sự, các chuyên viên cũng cần vượt qua những rào cản quan hệ nội bộ. Quan trọng nhất là người làm nhân sự phải biết nuôi dưỡng các mối quan hệ, gây dựng được sự tín nhiệm rộng rãi để có thể tiếp cận và được chia sẻ nhiều thông tin quan trọng. Chính nguồn thông tin “ngoài lề” sẽ là chất liệu để chuyên viên nhân sự kịp thời giải quyết các mâu thuẫn hay đưa ra các giải pháp tuyển dụng phù hợp, kịp thời.

“Bí quyết giúp nhân sự trở thành đối tác chiến lược hiệu quả” là hội thảo do mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com phối hợp cùng VietnamWorks tổ chức. Đây là cơ hội để giới nhân sự giao lưu và học hỏi kỹ năng cùng Andy Lopata - chiến lược gia hàng đầu châu Âu về nghệ thuật xây dựng quan hệ. Để biết thêm thông tin vui lòng truy cập: www.anphabe.com.