Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Thất nghiệp nhìn từ chất lượng việc làm

Sản xuất suy giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng lên nhanh chóng (7 tháng đầu năm có hơn 30.300 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động), khiến dư luận không khỏi quan ngại về vấn đề thất nghiệp, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Thực tế, nếu chỉ nhìn vào con số thống kê, sẽ không thấy hết được bản chất của vấn đề. Theo cách hiểu và cách tính toán về lao động có việc làm, lao động thất nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế, thời gian tối thiểu để một người có thể được xem xét có việc làm là, trong 7 ngày, phải có ít nhất 1 giờ làm việc để tạo thu nhập chính đáng. Hơn nữa, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam (khu vực nông thôn rộng lớn, lao động tự do nhiều, có thể tự mưu sinh…), tỷ lệ thất nghiệp theo cách thống kê nói trên sẽ không cao.

Thất nghiệp nhìn từ chất lượng việc làm (Ảnh minh họa)

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động là 2,29%, trong đó, khu vực thành thị là 3,62%, khu vực nông thôn là 1,65%.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 7 tháng đầu năm, cả nước ước tạo việc làm cho trên 825.000 người, đạt 54,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Một góc nhìn khác, mặc dù tính đến ngày 20/5/2012, cả nước có khoảng 213.000 người đăng ký thất nghiệp, tăng đột biến do sự tăng lên của số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, song trong tổng số lao động đăng ký thất nghiệp, số lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất chỉ chiếm 14%.

Như vậy, trên một phương diện nào đó, về mặt số học, không phải quá quan ngại về câu chuyện tạo việc làm mới hay tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, phải nhìn cả vào chất lượng của việc làm.

Không thể phủ nhận, ngoại trừ khu vực nhà nước, vẫn được tăng lương đều theo lộ trình tăng lương hàng năm, có một số lượng không nhỏ người lao động, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, đã bị giảm thu nhập đáng kể kể từ đầu năm tới nay. Công việc kinh doanh sa sút, khiến một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp có ý định giảm quy mô về lao động (theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, con số này trong 6 tháng đầu năm là 13%).

Đó là chưa kể, việc các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, hay hoạt động cầm chừng cũng khiến lao động mất việc làm, buộc phải tìm đường mưu sinh khác, hoặc vẫn có việc làm, nhưng phải chấp nhận giảm giờ làm, tức là giảm thu nhập. Cộng thêm những tác động của lạm phát, thì thu nhập thực tế, cuộc sống của người lao động hiện thời đã khó khăn hơn rất nhiều. Chất lượng của việc làm, chất lượng của cuộc sống chính là ở chỗ đó.

Bởi vậy, điều quan trọng trong lúc này là phải tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để cứu hệ thống doanh nghiệp, cứu nền kinh tế, để trên một góc độ nào đó, có thể đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, qua đó đảm bảo an sinh xã hội cho toàn nền kinh tế. Đồng thời, cần có một cuộc khảo sát, điều tra tổng thể về số lao động mất việc làm, hoặc tạm nghỉ không lương do các doanh nghiệp đóng cửa, cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh để thấy rõ bức tranh về công ăn việc làm của người lao động, từ đó có các chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tế.