Việc làm hotKinh nghiệm phỏng vấnChuyện công sởĐịnh hướng nghề nghiệpTin tức thị trường lao động

Lao động trẻ lao đao tìm việc làm

Lao động trẻ cần nhận định bản thân để có định hướng nghề nghiệp phù hợp, nâng cao cơ hội việc làm trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Trước cửa phòng của chương trình phỏng vấn thử “Tự tin trước nhà tuyển dụng” do Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Trường ĐH Nông Lâm TPHCM phối hợp tổ chức mới đây, sinh viên (SV) đến đăng ký tham gia đông nghẹt. Nhìn số thứ tự hơn 100, bạn V.T.H.T, vừa tốt nghiệp chuyên ngành chăn nuôi Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thở dài: “Tôi đã phỏng vấn tìm việc làm ở 2 công ty nhưng gần nửa tháng rồi mà vẫn chưa thấy hồi âm”.

Sinh viên tìm việc làm tại Ngày hội Nghề nghiệp năm 2012 do Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Trường ĐH Nông Lâm TPHCM phối hợp tổ chức mới đây


“Rải” hồ sơ khắp nơi

Giống như H.T, nhiều SV mới tốt nghiệp rất hoang mang khi rải hồ sơ tìm việc khắp nơi nhưng không nhận được bất kỳ sự phản hồi nào. T.T.N.L cho biết đã đăng hồ sơ tìm việc trên 3 trang web và gửi trực tiếp đến 6 công ty nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Còn bạn Đ.H.L, tốt nghiệp loại khá chuyên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Hùng Vương TPHCM vào tháng 8-2011 nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm.

“Khi mới ra trường, tôi làm khảo sát thị trường ở một công ty trong KCN Tân Bình. Tiền lương quá thấp cộng với sức khỏe yếu nên sau đó, tôi xin nghỉ việc để học thêm mấy chuyên đề về kế toán và ứng tuyển làm kế toán kho nhưng cũng bị chê vì không có kinh nghiệm”- H.L tâm sự.

Chúng tôi gặp anh N.T.P vừa bước ra khỏi gian hàng tuyển dụng của Công ty CP Greenfeed Việt Nam. Anh T.P. lắc đầu: “Công ty tuyển dụng chưa tới 50 chỗ làm cho 20 chức danh nhưng tôi thấy có hàng trăm hồ sơ”. Tốt nghiệp hệ CĐ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM chuyên ngành chăn nuôi 2 năm trước, T.P tìm được việc làm tại một công ty về thức ăn thủy sản ở quận 9 - TPHCM. Đầu năm nay, anh xin nghỉ việc với mong muốn tìm công việc khác tốt hơn. Thế nhưng, dù có kinh nghiệm nhưng đến nay anh vẫn thất nghiệp.

Thiếu định hướng nghề nghiệp

Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Triệu Long, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Siêu Thanh, cho rằng để trụ trong thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp buộc phải tinh giản nhân lực. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng nhận thấy kinh tế chưa có triển vọng phục hồi nên không tuyển lao động.

Điều này góp phần làm giảm cơ hội việc làm của lao động trẻ. “Tuy nhiên, lao động trẻ mất cơ hội việc làm chủ yếu do không định hướng được nghề nghiệp, nhất là SV mới ra trường, nên thường bị rớt ngay vòng phỏng vấn”- ông Nguyễn Triệu Long khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Điện Bàn, cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải sàng lọc kỹ và yêu cầu cao hơn từ ứng viên. SV mới ra trường thường không đáp ứng được yêu cầu công việc nên phải đào tạo lại, vừa mất thời gian lại tốn kém chi phí; chưa kể khi giỏi nghề, họ lại “nhảy việc” khiến doanh nghiệp rất ngại tuyển SV vừa tốt nghiệp. “Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng SV mới ra trường nếu đó là người có mục tiêu công việc rõ ràng, cầu tiến, đạo đức tốt” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai khẳng định.